Trang nghiêm khai mạc Đại Giới đàn Mật Hiển PL.2566
- Đăng Huy
- 29/12/2022
- Đại Giới đàn Nổi bật
Huế – Chiều ngày 28/12, tại Tổ đình Từ Đàm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm khai mạc Đại Giới đàn PL.2566 – DL.2022, mang tôn hiệu Mật Hiển.
Quang lâm chứng minh có Trưởng lão Hòa Thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự PG tỉnh TT Huế; Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Minh, Phó Pháp chủ HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; cùng chư Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, chư Tôn đức HĐTS, Văn phòng 2 Trung ương và Hội đồng thập sư nhị bộ Đại Giới đàn Mật Hiển.
Trước khi lễ khai mạc chính thức diễn ra tại tổ đình Từ Đàm, Ban nghinh sư Đại Giới đàn đã tác bạch cung thỉnh chư Tôn đức chứng minh từ Tổ đình Tường Vân kinh hành đến Giới trường Từ Đàm.
Một khung cảnh trang nghiêm và thiêng liêng đã hiện ra nơi đất thần kinh, chư giới tử và đông đảo Phật tử có mặt từ rất sớm tại hai bên đường để thành kính đảnh lễ cung đón bước chân an lạc của chư Tôn đức quang lâm.
Nơi Giới trường Từ Đàm trang nghiêm thanh tịnh, thay mặt Ban Kiến đàn Đại Giới đàn Mật Hiển, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh TT Huế phát biểu khai mạc Đại Giới đàn. Hướng vọng đảnh lễ Đức Pháp Chủ GHPGVN, chứng minh tối cao Đại Giới đàn, theo đó cung kính đảnh lễ Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, thiền đức đại Tăng giới sư và hiện tiền Chư tôn đức Tăng Ni.
Trong phát biểu khai mạc, Hòa thượng Chánh Chủ đàn nhắc lại lời của Đức Thích Ca Mâu Ni, bậc Đạo Sư tối tôn chí kính của chúng ta đã dạy: “Hãy lấy lý tưởng giác ngộ làm tiêu đích, lấy Chánh Pháp như thật làm con thuyền, lấy tinh thần hoà hợp làm phương châm cho đời sống”. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài là hiện thân của đạo lý như thật, làm nơi nương tựa cho chúng sanh. Sau khi nhập Niết Bàn, Chánh Pháp và Giới Luật mà Ngài đã giảng dạy là ngọn đèn dẫn lộ cho chúng sanh để vượt khỏi sa mạc hiểm nghèo của sanh tử.
Các bậc kỳ túc Trưởng lão đời nào cũng lấy sự truyền thọ Giới Pháp làm Phật sự chính yếu. Giới Pháp truyền trao, Giới Đàn kiến lập. Sự truyền trao Giới Luật đã trở thành sứ mạng thiêng liêng, tục diệm truyền đăng, nối dòng Phật Tổ.
Hòa thượng cho rằng, Đại Giới đàn PL.2566 do Ban Trị sự PG tỉnh tổ chức được phước duyên mang tôn hiệu Mật Hiển – nguyên Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam – nguyên Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế – Trú trì Tổ đình Trúc Lâm Huế. Ngài là bậc thạch trụ chốn tòng lâm, là đấng long tượng tài bồi đống lương Phật Pháp, là một bậc danh Tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.
Theo đó, Ban Kiến đàn đã tuyển chọn: Giới tử Bắc tông (Tỳ khèo 53 vị, Tỳ kheo Ni 55 vị, Thức xoa ma na 64 vị, Sa di 58 vị, Sa di Ni 38 vị) Giới tử Nam tông (Tỳ kheo 12 vị, Sa di và Sa di Ni 13 vị).
Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Tế được cung thỉnh vào ngôi Hòa thượng Đường đầu; Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Tuyên Luật sư; Hòa thượng Thích Quang Nhuận làm Yết-ma A-xà-lê; Hòa thượng Thích Chơn Hương, Giáo thọ A-xà-lê 1; Hòa thượng Thích Huệ Phước, Giáo thọ A-xà-lê 2.
Ban đạo từ, Hòa thượng Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương khẳng định; Trong lịch sử trước và sau khi GHPGVN được thành lập, Đại Giới đàn luôn là Phật sự hàng đầu được Trung ương Giáo hội và Ban Tăng sự đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các tỉnh thành khai mở Giới trường, truyền trao giới pháp để giúp cho nguồn mạch của đạo Phật gìn giữ. Vì tầm quan trọng và trách nhiệm nặng nề đó, Hòa thượng tán dương công đức của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh TT Huế đã dốc lòng kiết tạo Đại Giới đàn Mật Hiển PL.2566, truyền giới cho hơn 500 Tăng Ni khắp nơi về thọ lãnh giới pháp của Đức Phật.
Hòa thượng nhắc nhở các giới tử hiện diện nơi đây là những người có đầy đủ phước duyên lớn được bước vào Giới trường trang nghiêm, vì thế các giới tử phải phát tâm dõng mãnh, tha thiết cầu thọ giới pháp để được chư vị giới sư từ bi truyền trao năng lượng của giới tướng.
Hòa thượng khuyến tấn, chư vị giới tử sau khi đắc giới, phải phát nguyện giữ giới trang nghiêm thanh tịnh trong suốt đời tu hành của mình. Để làm được điều đó, đầu tiên phải tin lý nhân quả, sau đó tinh tấn trau dồi giới – định – tuệ một cách nghiêm mật. Nhờ việc giữ giới thanh tịnh, vị Tỳ kheo sẽ có sự phòng hộ thân – khẩu – ý vững chắc, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn) được trang nghiêm. Từ đó tiến tu trở thành bậc mô phạm cho đời và chúng sanh, góp phần trang nghiêm Giáo hội, làm Phật pháp được tồn tại lâu dài ở thế gian.
Một số hình ảnh cung nghinh chư Tôn đức từ Tổ đình Tường Vân đến Tổ đình Từ Đàm:
Đăng Huy