
8h sáng nay, 8/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã trong thể diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, do GHPGVN đăng cai tổ chức.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, diễn ra từ ngày 6-8/5, với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, nghệ thuật, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu.
Tham gia lễ bế mạc, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Dân tộc, cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các nước.
Về phía Phật giáo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS; GS.HT.TS Phra Brahmapundit – Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử.
Sau tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch đã khởi niệm danh hiệu Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni bằng tiếng Việt, Hòa thượng Chủ tịch ICDV khởi niệm bằng tiếng Pali, trầm hùng, thanh tịnh.
Tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS tuyên đọc Diễn văn bế mạc.
Diễn văn cho biết, đại lễ hân hoan chào đón các vị khách quý là Tăng vương, Tăng thống, lãnh đạo, đại biểu đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ; đặc biệt là sự tham dự, có bài phát biểu quan trọng, sâu sắc của Chủ tịch nước Lương Cường, cùng các vị lãnh đạo chính phủ, TP.HCM.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh hạnh được đón tiếp ngài Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham dự và có bài phát biểu vô cùng sâu sắc và ý nghĩa tại Lễ khai mạc; và hôm nay rất phấn khởi được đón ngài Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự và phát biểu tại Lễ bế mạc; cùng quý vị đại biểu khách quý lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN; các Ban, Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương; ngài Tổng thống Sri Lanka; cùng quý vị khách quý đại diện Chính phủ các quốc gia; và các đoàn ngoại giao, đại sứ, tổng lãnh sự các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tới tham dự”, Trưởng lão Hòa thượng phát biểu.
Theo Trưởng lão Hòa thượng, triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc; góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, thương nòi, lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Đoàn kết là di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Trong bài phát biểu của mình, Trưởng lão Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS còn nhắc lại lời của Tổng thống Sri Lanka trong phiên khai mạc: “Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời đã mở ra con đường vươn lên đầy dũng cảm, bất chấp hàng trăm năm trải qua những đau thương. Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước các bạn đã đạt được ngày hôm nay từ một quốc gia từng chịu đựng những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất và những bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tôi cũng xin được gọi đất nước các bạn là miền đất của sự kiên cường”.
HT.TS Phra Brahmapundit đã phát biểu, ngài cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam, đại biểu đã có mặt tham dự đại lễ. Theo Hòa thượng, 3 ngày đại lễ là không đủ để thảo luận những vấn đề toàn cầu mà Phật giáo đã đóng góp vào sự phát triển chung. Ngài nhắc lại thông điệp đoàn kết và bao dung của Đại lễ Vesak, tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa và tôn giáo, lồng ghép Phật giáo vào mọi hoạch định chính sách…
Theo Hòa thượng Phra Brahmapundit, hòa bình nội tâm là nền tảng của hòa bình thế giới. Ngài kêu gọi áp dụng chánh niệm Phật giáo vào việc giải quyết xung đột, khuyến khích việc đưa tinh thần chánh niệm vào lợi ích của tất cả mọi người.
Hòa thượng nhấn mạnh, thực hành chánh niệm sẽ đưa lại lợi ích cho mọi người, mọi việc. Đại lễ này cũng có ý nghĩa với Việt Nam, ngay sau dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, hướng tới 80 năm lập quốc.
Ngài một lần nữa cảm ơn sự hiếu khách của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là trung tâm của Phật giáo nhập thế, có vai trò quan trọng trong Phật giáo nhập thế, biểu hiện sống động qua hình ảnh hoa sen – được xem là quốc hoa Việt Nam, biểu tượng của sự thanh tịnh.
Hòa thượng Phra Brahmapundit bày tỏ, Phật giáo nhập thế là dấn thân vào đời nhưng không bị nhiễm trần, như hoa sen trong bùn nhưng vẫn giữ hương thơm.
Theo ngài, lấy chánh pháp xây dựng hòa bình, Vesak 2025 là dấu ấn khó quên. Hòa thượng Chủ tịch kết thúc phát biểu bằng lời “hẹn gặp lại năm sau tại Vesak 2026, tại Trung Quốc”.
Dịp này, bà Tổng Giám đốc UNESCO có video chúc mừng Vesak 2025 tại Việt Nam. Bà nói, đây là dịp ôn lại giáo pháp của Đức Phật về lòng từ bi, sự khoan dung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, xung đột.
Tiếp đến, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có bài phát biểu quan trọng. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, với sự tham gia của trên 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hiệp Quốc, hơn 1.350 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn Tăng Ni, Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi. “Có thể nói Đại lễ Vesak năm nay đã được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo – văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc, và đã thành công rất tốt đẹp”.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, “Đại lễ cũng là dịp để những Phật tử khắp thế giới cùng nhau kết nối tâm linh, hun đúc tinh thần đoàn kết và phát huy các giá trị cao đẹp của Phật giáo. Những ngày qua, tinh hoa tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo đã lan tỏa sâu rộng, trở thành nhịp cầu gắn kết các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa với nhau. Tất cả cùng chung một tâm nguyện cao cả: thúc đẩy tinh thần khoan dung, hòa hợp và nhân ái để xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và hạnh phúc bền lâu cho nhân loại”.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, thành công của Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu.
“Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Sau đó, Đại diện chính phủ Lào phát biểu chúc mừng Vesak 2025.
9h15, ông Quốc vụ khanh Campuchia phát biểu chúc mừng.
9h24 – Thượng tọa Thích Nhật Từ báo cáo tổng kết Đại lễ Vesak 2025.
Theo báo cáo, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt, dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
“Sự kiện Vesak năm nay vì vậy không chỉ mang tính chất là lễ hội tôn giáo quốc tế của Phật giáo, mà còn là dịp để khẳng định những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển toàn diện” Thượng tọa Nhật Từ nói.
Bản báo cáo cho biết, Đại lễ đã diễn ra trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm và tràn đầy tinh thần đoàn kết, thể hiện sự hòa quyện hài hòa giữa tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc và giáo lý từ bi – trí tuệ – hòa bình của Đức Phật.
Báo cáo khẳng định, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã được tổ chức thành công tốt đẹp trên bốn phương diện trọng tâm, gồm: phương diện tâm linh, văn hóa, hội thảo học thuật và cầu nguyện hòa bình thế giới.
“Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 không chỉ là một lễ hội Phật giáo trọng đại, mà còn là thông điệp hòa bình toàn cầu mà Phật giáo gửi đến thế giới. Sự kiện này khẳng định rằng hòa bình đích thực không bắt nguồn từ sức mạnh quân sự, mà từ sự chuyển hóa nội tâm con người thông qua đời sống đạo đức, lòng từ bi và trí tuệ”, Thượng tọa Nhật Từ bày tỏ.
Báo cáo nhấn mạnh, thành công của Vesak 2025 là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Ủy ban Tổ chức Quốc tế Ngày Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự hỗ trợ đặc biệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam – một quốc gia cam kết vì hòa bình, đa dạng văn hóa và hợp tác quốc tế.
9h40, TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS công bố Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh:
Chúng tôi, những đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam, đại diện cho các truyền thống Phật giáo, các nhà lãnh đạo các Giáo hội Tăng-già, tổ chức Phật giáo; các học giả, nhà nghiên cứu, và các đại biểu của các tổ chức vì hòa bình đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tập trung tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ ngày 6-8 tháng 5 năm 2025 để kỷ niệm lần thứ 20 Vesak Liên Hiệp Quốc và hội thảo khoa học với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.“
Xét rằng, theo Nghị quyết 54/115 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Vesak đã được chính thức được công nhận là sự kiện văn hóa tôn giáo quốc tế, được tổ chức hàng năm tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc và các Văn phòng Khu vực từ năm 2000 trở đi.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm nay được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với Tăng Ni, Phật tử và Nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội tốt lành để cộng đồng Phật giáo và bạn bè quốc tế chung vui cùng Nhân dân Việt Nam đối với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2025).
Chúng tôi cùng nhau chúc mừng Nhân dân Việt Nam khi chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam, đặc biệt là chứng kiến những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của Việt Nam, trong đó nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam cho chúng tôi thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng, và tự do tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.
Trong bối cảnh đó, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc củng cố tinh thần đoàn kết, thúc đẩy hòa bình, lòng bao dung và phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Xét rằng, Vesak năm nay phản ánh nguyện vọng chung của chúng tôi trong việc ứng dụng trí tuệ Phật giáo và trách nhiệm đạo đức để đối diện với các vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm giải quyết xung đột, công bằng xã hội, bền vững môi trường và hợp tác quốc tế, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công rất rực rỡ đem lại niềm tin, sự lạc quan vào tương lai tươi sáng của nhân loại. Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân và đánh giá rất cao Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và đặc biệt là Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vì lòng hiếu khách, sự tận tâm, tân lực ủng hộ cho kỳ Vesak thành công và tầm nhìn của họ trong việc tổ chức sự kiện lịch sử này. Đồng thời, chúng tôi tái khẳng định vai trò của Việt Nam là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, trung tâm của nền Phật giáo nhập thế gắn với các hoạt động ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp vì hòa bình, an lạc cho con người.
Do đó, sau khi cùng nhau thảo luận trong tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa hợp tại các phiên hội thảo, chúng tôi, các đại biểu tham dự, nhất trí thông qua và công bố Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người, bao gồm:
Điều 1: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm
1.1. Chúng tôi cam kết thúc đẩy sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người; lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hồi đáp của Phật giáo trước những thách thức toàn cầu, và những vấn đề cấp bách hiện nay về bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và chia rẽ chính trị đang làm suy yếu hòa bình và hợp tác.
1.2. Chúng tôi kêu gọi tăng cường đối thoại văn hóa và tôn giáo như phương tiện để thu hẹp khoảng cách, xây dựng lòng tin và củng cố sự tham gia của Phật giáo vào các nỗ lực ngoại giao quốc tế và giải quyết xung đột nhằm thúc đẩy hòa hợp bền vững toàn cầu.
1.3. Chúng tôi khẳng định rằng nhân phẩm gắn liền với hòa bình, công lý, bất bạo động (ahiṃsā) và bình đẳng, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tôn trọng những nguyên tắc này phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (Universal Declaration of Human Rights) và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs).
1.4. Chúng tôi chủ trương tích hợp các giá trị đạo đức Phật giáo vào quá trình hoạch định chính sách và quản trị, bảo đảm rằng từ bi, trí tuệ và đạo đức Phật giáo trong lãnh đạo định hướng các quyết sách ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.
1.5. Chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc của Phật giáo dấn thân nhưđộng lực chuyển hóa trong việc giải quyết khủng hoảng nghèo đói, tăng cường xóa đói giảm nghèo; trong việc giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới và bền vững sinh thái, đồng thời kêu gọi các tổ chức Phật giáo đóng vai trò chủ động hơn trong các sáng kiến công bằng xã hội.
Điều 2: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới
2.1. Chúng tôi khẳng định rằng bình an nội tâm là điều kiện nền tảng tiên quyết để đạt được hòa bình thế giới, đòi hỏi sự cam kết phổ quát đối với chánh niệm, giới hạnh (sīla) và trí tuệ (paññā) nhằm xây dựng sự hài hòa bền vững trong mỗi cá nhân và toàn xã hội.
2.2. Chúng tôi chủ trương lồng ghép sự thực hành quán niệm Phật giáo vào các chương trình hòa giải, ngoại giao, và tái thiết sau xung đột, nhằm phát huy khả năng phục hồi cảm xúc, giao tiếp bất bạo động và chữa lành tập thể.
2.3. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các tổ chức toàn cầu áp dụng chương trình đào tạo chánh niệm và đạo đức lãnh đạo theo tinh thần Phật giáo, nhằm giúp quản trị cảm xúc sâu sắc hơn, đạo đức minh triết hơn và kỹ năng quản trị từ bi hơn.
2.4. Chúng tôi ủng hộ việc thành lập các Trung tâm Phật giáo vì Hòa bình, chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo cộng đồng về quản trị theo tinh thần Phật giáo, đạo đức và các phương pháp giải quyết xung đột theo triết lý Phật giáo.
2.5. Chúng tôi kêu gọi lồng ghép các nguyên lý Phật giáo về không chấp thủ (upādāna) và hành xả (upekkhā) vào các chính sách và cơ cấu quản trị, bảo đảm rằng các quyết định được đưa ra thực sự sáng suốt, cân bằng và lợi ích dài lâu.
Điều 3: Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải
3.1. Chúng tôi khẳng định rằng tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm là nền tảng để đạt được công lý bền vững sau xung đột, đảm bảo rằng các nỗ lực hòa giải thúc đẩy sự chữa lành sâu sắc giữa các thế hệ, phục hồi tập thể và hòa bình lâu dài.
3.2. Chúng tôi kêu gọi khuyến khích áp dụng các nguyên lý Phật giáo về từ bi (mettā), hành xả (upekkhā) và chánh ngữ (sammā vācā) được lồng ghép vào việc giải quyết xung đột, nhằm thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và ngoại giao đạo đức.
3.3. Chúng tôi vận động cho việc triển khai các sáng kiến chữa lành dựa trên liệu pháp tâm lý Phật giáo, kết hợp thực hành thiền định và các phương pháp can thiệp dựa trên chánh niệm nhằm hỗ trợ các cộng đồng hậu xung đột vượt qua sang chấn tâm lý, mất mát và sự chia rẽ xã hội.
3.4. Chúng tôi kêu gọi thành lập các ủy ban hòa giải được định hướng bởi các nguyên tắc đạo đức Phật giáo, nhằm bảo đảm rằng tiến trình công lý đặt ưu tiên cho sự hòa hợp xã hội sâu sắc, sự tham gia toàn diện và trách nhiệm đạo đức trong các xã hội bị chia rẽ.
Điều 4: Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người
4.1. Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết xây dựngnền kinh tế công bằng, dựa trên nhu cầu thực tiễn, được xây dựng theo nguyên lý Phật giáo về tri túc, phân phối tài sản có đạo đức và trách nhiệm luân lý trong việc đặt nhân phẩm con người lên trên lợi nhuận thuần túy.
4.2. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ thực hiện các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và phát triển bền vững dựa trên đạo đức sinh thái Phật giáo, đảm bảo rằng các chính sách kinh tế tái tạo luôn phù hợp với sự cân bằng sinh thái, công bằng giữa các thế hệ và ổn định xã hội lâu dài.
4.3. Chúng tôi khuyến khích hình thái doanh nghiệp xã hội do Phật giáo dẫn dắt, thúc đẩy thực hành lao động có đạo đức, mô hình thương mại công bằng và nền kinh tế từ bi, nhằm nâng cao quyền lợi của các cộng đồng yếu thế và tăng cường an ninh con người.
4.4. Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lồng ghép các giáo lý Phật giáo về tri túc (santuṭṭhi), bố thí (dāna) và lập nghiệp chân chánh (sammā ājīva) vào các chính sách công bằng kinh tế, cơ chế phân phối tài sản và quy định về kinh doanh bền vững.
4.5. Chúng tôi kêu gọi gia tăng đầu tư vào các sáng kiến nhân đạo Phật giáo, nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng cấp bách như nghèo khó, nạn đói, cưỡng bức di cư và bất bình đẳng kinh tế – xã hội thông qua các hoạt động thiện nguyện.
Điều 5: Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững
5.1. Chúng tôi kêu gọi tích hợp chương trình đào tạo đạo đức Phật giáo và giáo dục chánh niệm vào chương trình giảng dạy toàn cầu, các chương trình đào tạo giáo viên và mô hình học tập suốt đời nhằm nuôi dưỡng trí tuệ, đạo đức lãnh đạo và trách nhiệm xã hội.
5.2. Chúng tôi thúc giục các cơ sở giáo dục áp dụng mô hình học tập dựa trên lòng từ bi, nhấn mạnh lý luận đạo đức, giao tiếp bất bạo động và phương pháp giảng dạy quán chiếu như những công cụ thiết yếu để xây dựngxã hội hài hòa và đạo đức hơn.
5.3. Chúng tôi kêu gọi áp dụng các can thiệp dựa trên chánh niệm vào hệ thống giáo dục, nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, những tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức và áp lực gia tăng từ xã hội hiện đại và công nghệ.
Điều 6: Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu
6.1. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Phật giáo đóng vai trò tích cực trong các sứ mệnh hòa bình của Liên Hiệp Quốc và diễn đàn liên tôn giáo, đóng góp các giải pháp dựa trên trí tuệ để ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình và hòa giải.
6.2. Chúng tôi khẳng định rằng các giá trị Phật giáo về bất bạo động (ahiṃsā) và trách nhiệm tập thể nên định hình chính sách khí hậu và chiến lược ứng phó thảm họa, đảm bảo rằng việc bảo tồn hệ sinh thái vẫn làtrụ cột nền tảng của quản trị toàn cầu.
6.3. Chúng tôi ủng hộ sự tận tâm đối với các cứu trợ nhân đạo, tái thiết sau xung đột và bảo vệ môi trường, nhằm huy động các nguồn lực Phật giáo toàn cầu để ứng phó với các cuộc khủng hoảng và thách thức xã hội.
6.4. Chúng tôi đặt trọn niềm tôn kính xá-lợi Phật Thích Ca Mâu Ni bảo vật Quốc gia Ấn Độ và xá-lợi trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức của Việt Nam như những di sản thiêng liêng của nhân loại vì hòa bình thế giới, được tôn trí trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Điều 7: Nước đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2026
Cuối cùng, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vui mừng thông báo về việc phê chuẩn và ủng hộ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 21 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2026. Chúng tôi trân trọng kính mời chư vị lãnh đạo Phật giáo, học giả, và những người yêu chuộng hòa bình cùng tham dự sự kiện trọng đại này tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Kết luận
Trong tinh thần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, chúng tôi, những đại biểu tham dự, tái khẳng định cam kết không lay chuyển trong việc vận dụng trí tuệ Phật giáo, trách nhiệm đạo đức và hành động tập thể để mang lại hòa bình thế giới, bảo vệ phẩm giá con người và duy trì sự an lạc cho hành tinh này.
Chúng tôi kêu gọi:
– Tất cả các quốc gia ưu tiên các chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế, thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
– Các tổ chức toàn cầu áp dụng các nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững.
– Các tổ chức quốc tế công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu.
– Cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia trong các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường.
Hãy để Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam đạo đức, khuôn khổ chiến lược và lời kêu gọi khẩn thiết hướng đến thế giới công bằng hơn, hòa bình hơn và bền vững hơn.
Cầu mong tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau. Cầu nguyện trí tuệ và từ bi soi sáng mọi hành động của chúng ta. Kính chúc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đánh dấu kỷ nguyên mới của đoàn kết toàn cầu.
Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh đã được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit ấn ký ngày 8/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
10h Hoà thượng Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV đọc lại Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh.
10h27, Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Phra Brahmapundit trao cờ đăng cai Vesak cho Hòa thượng Viễn Giác – Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
Trước khi khép lại buổi lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, TT.Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS đã đọc lời cảm tạ, tri ân Đảng, Nhà nước, ICDV, cùng khách quốc tế, đại biểu trong nước… đã đóng góp cho sự thành công của Đại lễ.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 thành công tốt đẹp. Sau lễ bế mạc, đại biểu ăn trưa. Sau đó, Đại biểu quốc tế di chuyển đến Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen – Quần thể Văn hóa Phật giáo Sunworld, Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh; chiều nay có lễ tôn trí Xá-lợi Phật Thích Ca Mâu Ni – bảo vật Quốc gia Ấn Độ và trồng 108 cây bồ-đề tại đây.
Buổi tối, lễ cầu nguyện hòa bình sẽ diễn ra trọng thể tại núi Bà Đen. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu sẽ phát biểu khai mạc; Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng sẽ có phát biểu với đại chúng tham dự trước khi chính thức hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới.
Chùm ảnh lễ bế mạc:

Đình Long – Ảnh: Đăng Huy