Hòa thượng Chủ tịch: Hội thảo thiền nguyên thủy (Vipassanā) đã làm sáng tỏ thêm điều cốt lõi trong pháp hành của đạo Phật
- Đăng Huy
- 22/10/2023
- Ban Viện Trung ương Nổi bật
Phiên khai mạc hội thảo “Thiền Nguyên thủy (Vipassanā) từ truyền thống đến hiện đại” diễn ra sáng 22-10, tại thiền viện Vạn Hạnh, Đức Chủ tịch HĐTS GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã quang lâm tham dự và có bài phát biểu đánh giá tầm quan trọng của Hội thảo.
Nhấn mạnh về đại nhân duyên Đức Phật ra đời, Hòa thượng nhắc lại Kinh tăng chi bộ, “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Đạo Phật không đi ngược với cuộc đời hay đi bên ngoài cuộc đời. Đạo Phật đi vào trong chính cuộc đời này, soi sáng thực tại này, giúp chúng ta thấy rõ bản chất thân tâm của mình. Theo đó, chúng ta sẽ biết rõ nguyên nhân của những nỗi khổ niềm đau và cách để chấm dứt chúng, chứng đắc Niết-bàn, trạng thái hạnh phúc tuyệt đối, không bị vô thường chi phối.
Theo Hòa thượng, chúng ta hiểu rõ rằng toàn bộ sự hình thành và chấm dứt của thế giới đều ở ngay trên tấm thân một trượng này. Chúng ta chỉ cần trở về với chính mình, quan sát “thân thể, cảm giác, tâm trí, các pháp” với “nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm” để “vượt qua tất cả dính mắc trong đời”. Thực hành thiền trong cuộc sống, quán niệm và thấy rõ tự thân và mọi sự thật như chúng đang là, chính là phương tiện vượt qua tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, thanh tịnh hóa bản thân, góp phần tịnh hóa xã hội. Thiền là pháp tu mà bất cứ hành giả Phật giáo nào cũng phải thực tập hàng ngày để thành tựu đạo quả giải thoát và giác ngộ.
Hòa thượng cho biết, từ nhiều thập niên qua, thiền Vipassanā đã được lan truyền rộng rãi trên khắp thế giới và áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Thiền Vipassanā được thực tập và ứng dụng trị liệu trong nhiều lãnh vực gồm trong các nhà tù, trong bệnh viện, trường học, quân đội, trong quản trị doanh nghiệp và mọi phương diện cuộc sống. “Thiền giúp cho con người lấy lại quân bình giữa thân thể và tâm trí, giữa công việc và cuộc sống, giữa cá nhân và xã hội, giữa bốn vách tường và thiên nhiên. Thiền cũng có tác dụng chữa lành cho những vết thương trong tâm hồn.”, Hòa thượng nói.
Hòa thượng khẳng định Thiền được đức Phật khám phá và thực tập tại Bồ-đề đạo tràng, giúp ngài giác ngộ tuyệt đối chính là “Vipassanā” một kỹ năng nhìn rõ mọi sự vật như thật, dẫn đến bình nội tâm. Phương pháp này bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở để tập trung tâm trí, thấy rõ các cảm giác và suy nghĩ mà không phán xét, phản ứng chủ quan, không chạy theo, không khiên cưỡng lại, không đè nén bên trong, tập trung duy trì chánh niệm, tỉnh thức, nuôi dưỡng ý thức sâu sắc và thấy biết trọn vẹn.
Thực hành thiền Vipassanā giúp ta tăng cường sức khỏe thể chất, giảm các căng thẳng, lo âu, sợ hãi, bất an; nâng cao trí tuệ cảm xúc, cải thiện sự minh mẫn tinh thần, giải phóng nỗi khổ, niềm đau. Bằng cách sống chánh niệm bây giờ và tại đây, chúng ta có thể đối phó với những thách thức của cuộc sống một cách điềm tĩnh giữa những cơn bão cuộc sống.
Người đứng đầu điều hành Trung ương Giáo hội cho biết, ở Việt Nam, trong thời gian qua việc hành thiền Vipassanā đã trở nên phổ biến. Các khóa thiền đã được tổ chức thường xuyên ở các thiền viện, tu viện cho cả tăng ni và cư sĩ, bất luận pháp môn thực tập. Các sách về thiền cũng được biên soạn, phiên dịch và xuất bản đa dạng và phong phú. Điều này giúp cho các hành giả có dịp nghiên cứu sâu hơn về thiền và tránh bị sai lệch trong tu tập.
Ghi nhận và tán dương công đức, Hòa thượng Chủ tịch cho rằng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thiền học Nam truyền trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ra đời nhằm mục đích xiển dương và giới thiệu rộng rãi pháp thiền Nguyên thủy ở Việt Nam. Qua các nhiệm kỳ, Trung tâm này đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
Hôm nay, Trung tâm tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thiền Nguyên thủy từ Truyền thống đến Hiện đại”, quy tụ nhiều hành giả cũng như học giả đến từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc; Đức Chủ tịch GHPGVN tin tưởng rằng bằng phương pháp tiếp cận liên ngành, nhất là nhất mạnh góc độ lợi ích và trị liệu, Hội thảo này là dịp để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm thực tập, học hỏi lẫn nhau, làm sáng tỏ thêm những điều quan trọng cốt lõi trong pháp hành.
“Đây cũng là dịp để Phật tử các giới, các tông phái Phật giáo và những người yêu mến đạo Phật có cơ hội tiếp cận thiền Vipassanā và áp dụng vào cuộc sống. Chúng ta sẽ nếm được hương vị giải thoát mà đức Phật và các bậc Tổ sư vẫn thường tán dương ca ngợi.”, Hòa thượng bày tỏ.
Hội thảo “Thiền Nguyên thủy (Vipassanā): Từ truyền thống đến hiện đại” được diễn ra tại Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, TP. HCM do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền đồng tổ chức.
Theo đó nhiều bài tham luận quan trọng của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã được trình bày tại phiên khai mạc. Các phiên thảo luận sau đó, các học giải sẽ trình bày xoay quanh 5 nội dung chính gồm: Thiền Nguyên thủy trong Tam tạng Thánh Điển Pali; Sự truyền thừa Thiền Nguyên thủy ở các quốc gia Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Việt Nam; Các phương pháp và phong trào Thiền Nguyên thủy tại Việt Nam; Ứng dụng Thiền Nguyên thủy trong cuộc sống; Ứng dụng Thiền Vipassana trong việc tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cải tạo nhân cách phạm nhân và người cai nghiện.
Chứng minh tối cao Hội thảo, Đức Phó Pháp chủ HĐCM Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Minh nhấn mạnh, “Hành giả thực tập Thiền phải nhận định rõ Thiền Vipassanā trong Phật giáo và ngoài Phật giáo. Thiền Vipassanā ban đầu được Đức Phật dạy cho quần chúng thực tập trong đời sống, giúp tự thân mỗi người tự soi sáng, tỉnh thức”. Đức Phó Pháp chủ nhận định Thiền thật sự có khả năng chữa lành thân và tâm, tuy nhiên người tu thiền Phật giáo không quên lấy điểm đến cuối cùng là Giác ngộ, giải thoát.
Được biết Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 85 bài tham luận trong đó có 63 bài được chọn in sách, 48 bài chọn thuyết trình gồm 5 chủ đề, mỗi chủ đề 3 phiên báo cáo thảo luận.
Đăng Huy