Quy chế hoạt động Phân Ban Ni giới Trung uong
- BTV
- 13/05/2023
- Quy chế Ban Viện Trung ương
QUY CHẾ
PHÂN BAN NI GIỚI TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHƯƠNG I: DANH XƯNG – VĂN PHÒNG – CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ
Điều 1: Danh xưng
Phân ban Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một Phân ban trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương trong hệ thống hành chánh của GHPGVN theo quy định của điều 26 chương V Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII và điều 5 chương II Quy chế Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ IX (2022 – 2027).
-Cấp Trung ương có danh xưng đầy đủ là Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gọi chung là “Phân ban Ni giới Trung ương”;
-Cấp tỉnh, thành có danh xưng đầy đủ là Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành, gọi chung là “Phân ban Ni giới cấp tỉnh”.
Cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện): Cấp huyện sẽ do Trưởng Ban Trị sự cử một vị Ni đặc trách Ni giới quận huyện trực thuộc Ban Trị sự cấp huyện
Điều 2: Nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ của Phân ban Ni giới Trung ương là 05 năm tương ứng với nhiệm kỳ của Ban Tăng Sự Trung ương và theo nhiệm kỳ của Giáo hội các cấp.
Điều 3. Văn phòng
Văn phòng Phân ban Ni giới Trung ương: đặt tại Tổ đìnhTừ Nghiêm, số 415- 417 Bà Hạt, Phường 4, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động theo sự chỉ đạo của Ban Tăng sự Trung ương và Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động
Phân ban Ni giới Trung ương hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tập thể bàn bạc, thảo luận, quyết định theo đa số, có phân công cá nhân phụ trách.
Thống nhất lãnh đạo, quản lý Ni giới trong cả nước theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quy chế Ban Tăng Sự Trung ương và Pháp luật Nhà Nước.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ
- Chức năng của Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành là y cứ Tỳ Ni luật tạng, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương, Quy chế Phân ban Ni giới Trung ương để hộ trì việc tu học, hành đạo của Ni giới các Hệ phái và sinh hoạt của các Tự viện, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh Xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường (sau đây gọi chung là Tự viện) thuộc Ni giới. Báo cáo với Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tăng sự Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo giải quyết những vấn đề có liên quan đến Ni giới. Đề xuất các dự án, chương trình hoạt động thuộc phạm vi của Phân ban và đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương phê duyệt để thực hiện.
- Nhiệm vụ của Phân ban Ni giới Trung ương là phối hợp với Phân ban Ni giới các tỉnh thành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Trung ương Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương giao phó trong mọi công tác Phật sự và trong việc truyền bá Chánh pháp.
- Giúp Ban Tăng Sự Trung ương và Ban Tăng sự cấp tỉnh tổng hợp tình hình sinh hoạt của các Tự viện thuộc Ni giới trong cả nước; lập dự án, kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện các công tác Phật sự.
- Giúp Ban Trị sự và Ban Tăng sự các tỉnh thành duyệt hồ sơ thọ giới và tấn phong giáo phẩm chư Ni.
- Lập danh bộ Tự viện thuộc Ni giới theo mẫu thống nhất và quản lý của Ban Tăng Sự Trung ương, chịu trách nhiệm điều hành, quản lý các sinh hoạt của Tự viện thuộc Ni giới theo Luật Phật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng Sự Trung ương và Pháp luật Nhà Nước.
- Củng cố hàng ngũ Ni đoàn, giáo dục cá nhân Ni giới trẻ có đời sống xa rời phạm hạnh, tạo điều kiện cho Ni sinh đang ở nhà Phật tử, nhà trọ v.v… trở về chùa Ni tu học theo Giới luật Phật chế, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước.
CHƯƠNG II: TỔ CHỨC – NHÂN SỰ
Điều 6. Tổ chức, nhân sự của Phân ban Ni giới Trung ương
Thành phần nhân sự của Phân ban Ni giới Trung ương gồm có:
- Phân ban Ni giới Trung ương có số lượng thành viên theo quy định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, gồm có các chức danh:
- Trưởng ban
- 02 Phó Trưởng ban Thường trực
- Các Phó Trưởng ban chuyên trách
- 01 Chánh Thư ký
- Các Phó Thư ký (phụ trách khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam)
- 01 Thủ quỹ
- Các Ủy viên Thường trực
- Các Ủy viên
- Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương do Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc suy cử. Hội đồng Trị sự chuẩn y thành phần nhân sự Phân ban Ni giới Trung ương
- Trưởng Phân ban Ni giới, Phó Trưởng Phân ban Thường trực, các Phó Trưởng ban Chuyên trách, Chánh Thư ký là thành viên Ban Tăng sự Trung ương; Phó Thư ký và các ủy viên do Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương giới thiệu, được Ban Tăng sự Trung ương chấp thuận và Ban thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y bằng một quyết định.
- Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương có số lượng thành viên không quá 1/3 số lượng thành viên của Ban Tăng sự Trung ương, hoặc do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cho phép tăng số lượng theo nhu cầu hoạt động.
- Nhân sự Phân ban Ni giới các tỉnh, thành không quá 37 thành viên, do Ni giới trong tỉnh, thành giới thiệu hoặc do Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh thành cho phép tăng số lượng theo nhu cầu hoạt động của Ni giới tỉnh thành và được Ban Thường trực Ban Trị sự chuẩn y bằng một quyết định.
CHƯƠNG III: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 7
Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương có nhiệm vụ quản lý, điều hành tổng quát các hoạt động của Ni giới, chịu trách nhiệm trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương về các hoạt động của Ni giới. Chủ trì các phiên họp của Phân ban Ni giới, trình ký các văn bản có liên quan về tổ chức và hoạt động của Ni giới. Tổ chức thực hiện Quy chế của Phân ban Ni giới theo quy định Hiến chương, nghị quyết, chương trình hoạt động của Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương.
Điều 8
Phó Trưởng Ban Thường trực Ni giới thay mặt Trưởng Ban Ni giới giải quyết các vấn đề có liên quan đến Ni giới, ký các văn bản, tham dự các cuộc họp, hội nghị khi Trưởng Ban vắng mặt hoặc ủy nhiệm. Chịu trách nhiệm trước Phân ban Ni giới về những công việc mà mình đã giải quyết.
Điều 9
Chánh Thư ký chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản, nội dung, chương trình và triển khai các phiên họp của Phân ban Ni giới.
Báo cáo tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động cho Phân ban Ni giới Trung ương, chịu trách nhiệm thống kê và lưu trữ hồ sơ các Tự viện và danh sách, số lượng Ni giới các tỉnh thành trong cả nước. Hướng dẫn Phân ban Ni giới cấp tỉnh trao đổi, đề nghị GHPGVN cấp tỉnh tuyên dương công đức và tấn phong giáo phẩm đối với chư Ni tại địa phương. Trình tự, thủ tục khen thưởng, tấn phong giáo phẩm do GHPGVN cấp tỉnh thực hiện.
Điều 10
Phó Thư ký thay mặt Chánh Thư ký khi vắng mặt. Kết hợp với Chánh Thư ký soạn thảo các văn bản, báo cáo tổng kết, phụ triển khai các chương trình hoạt động, tham dự các buổi họp, để nắm bắt đường hướng và các chủ trương của Phân ban.
Điều 11
Thủ quỹ chịu trách nhiệm bảo quản nguồn tài chánh, sổ sách thu – chi. Thủ quỹ được giữ từ 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng), còn lại gửi Ngân hàng có sổ sách rõ ràng. Thủ quỹ được chi cho công việc của Phân ban từ năm triệu trở xuống, có chứng từ. Từ năm triệu trở lên phải có ủy nhiệm của Trưởng hoặc Phó Trưởng ban Thường Trực Phân ban. Báo cáo tài chính vào các phiên họp định kỳ của Phân Ban, hoặc thu chi sau mỗi sự kiện.
Điều 12
- Các Ủy viên Giám luật có trách nhiệm giám sát về phạm hạnh và tu học của Ni giới trẻ, giải quyết các vấn đề có liên quan đến Ni giới theo Luật Phật. Khi có vấn đề vi phạm Luật Phật xảy ra tại các Tự viện thuộc Ni giới, Trưởng Phân ban Ni giới cấp tỉnh phối hợp với Ủy viên Giám luật kịp thời có mặt để nhắc nhở, hòa giải từ một đến ba lần, nếu hòa giải không thành thì y cứ Luật Phật lập biên bản và báo cáo với Thường trực Phân ban Ni giới xem xét để có biện pháp giải quyết.
- Khi Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tổ chức Đại Giới đàn, Phân ban Ni giới cùng cấp trao đổi với Ban tổ chức Đại Giới đàn trong công tác xét duyệt hồ sơ của giới tử Ni. Thứ nhất: Nắm rõ số lượng giới tử Ni tại địa phương thọ giới; thứ hai: Tránh tình trạng giới tử Ni thọ giới chưa đúng quy định của Luật Phật và Quy chế Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Điều 13
Ủy viên Giáo Dục kết hợp Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN thực hiện chương trình giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục thuộc Ni giới, tham gia Ban Giám Hiệu, Ban Giảng Huấn, phụ trách môn Luật, mở lớp Sơ cấp và Gia Giáo cho Chư Ni.
Điều 14
Ủy viên Hoằng Pháp kết hợp với Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN để thực hiện công tác soạn thảo và thuyết giảng Phật pháp tại các Đạo tràng.
Điều 15
Ủy viên Văn Hóa phối hợp với Ban Văn Hóa Trung ương GHPGVN để thực hiện công tác lưu trữ hình ảnh, tiểu sử các bậc Trưởng lão Ni. In ấn sách báo, triển lãm, làm xe hoa, thực hiện kỷ yếu khi có các Lễ hội hay Hội thảo do Phân ban Ni giới tổ chức .
Điều 16
Ủy viên Đối Ngoại phối hợp với Ban Phật Giáo Quốc Tế Trung ương GHPGVN để thực hiện công tác đón tiếp và quan hệ với các phái đoàn trong và ngoài nước, thăm hữu nghị Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Ni giới; tham dự các diễn đàn, Hội nghị, Hội thảo quốc tế.
Điều 17
Ủy viên Nghi Lễ phối hợp với Ban Nghi Lễ Trung ương GHPGVN để điều hành các buổi lễ, tang lễ do Phân ban Ni giới tổ chức.
Điều 18
Ủy viên Từ thiện Xã hội phối hợp với Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN để thực hiện công tác vận động tài chính, phẩm vật giúp đỡ bà con Phật tử nghèo tại các tự viện, hỗ trợ học bổng cho các em học sinh gia đình Phật tử có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học, và các công tác Từ thiện Xã hội khác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; thành lập trung tâm an dưỡng để chăm sóc những vị Ni lớn tuổi không có chùa, không có đệ tử. Thành lập các cơ sở từ thiện, trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, tàn tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ; mở trường dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh, thiếu niên nghèo; thực hiện chương trình đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo và trái tim khỏe mạnh cho trẻ em.
Điều 19
Ủy viên Tài Chính có nhiệm vụ vận động chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni, ân nhân Phật tử, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ tài chánh cho các hoạt động của Giáo hội và Phân ban Ni giới, đặc biệt hỗ trợ tài chánh cho các sự kiện lớn của Ni giới; thành lập các phòng phát hành, in ấn kính sách Phật giáo, các ngành tiểu thủ công nghiệp để tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động của Phân ban Ni giới.
Điều 20
Ủy viên Kiểm Soát có trách nhiệm góp ý, kiểm tra các hoạt động của Phân ban Ni giới, kiểm soát sổ sách thu – chi của Phân ban, nếu có điều gì chưa hợp lý, phải kịp thời báo cáo với Thường trực Phân ban Ni giới và Trưởng Phân ban để giải quyết.
Điều 21
Ủy viên Pháp chế có trách nhiệm tìm hiểu và tham mưu cho Trưởng Phân ban và Ban Thường trực để giải quyết khi Ni giới có vấn đề tranh chấp hay kiện tụng xảy ra.
Những quy định khác có liên quan, Phân ban đều thực hiện theo Quy chế Ban Tăng Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG IV: HỘI HỌP – BAN HÀNH – SỬA ĐỔI
Điều 22
Phân ban Ni giới Trung ương mỗi năm họp 01 hoặc 02 lần trước Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội, và trước Ban Tăng sự Trung ương 01 tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết vấn đề và báo cáo với Ban Tăng Sự Trung ương thẩm tường.
Điều 23
Chỉ có Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tăng sự Trung ương mới có quyền sửa đổi Quy chế Phân ban Ni giới Trung ương.
Điều 24
Quy chế Phân ban Ni giới Trung ương gồm có 04 chương 24 điều, đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày … tháng …. năm 2023 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký quyết định ban hành.