Trung ương Giáo hội thông báo về hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông”
Thực hiện Nghị quyết số: 626/NQ-HĐTS ngày 27/12/2022 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với công tác hỗ trợ các hoạt động của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự GHPGVN tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo Khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông, Hội nghị Tổng kết 19 năm thực hiện công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer.
Nhằm góp phần phong phú nội dung và phát minh mới về di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Kinh Lá Buông là thư tịch cổ quí hiếm của Phật giáo Nam tông Khmer. Ban tổ chức trân trọng kính mời quý học giả, các nhà nghiên cứu, nhân sĩ, tri thức và chư tôn đức hoan hỷ viết bài tham luận góp phần cho Hội thảo Khoa học thành công viên mãn.
Đơn vị tổ chức: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đơn vị đồng tổ chức: Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Trị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang.
Thời gian: 02 ngày, ngày 10, 11 tháng 5 năm 2023.
– Ngày 10 tháng 5 năm 2023:
+ Từ 8 giờ đến 11 giờ: Tọa đàm về Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh An Giang đồng hành cùng dân tộc (có bảng hướng dẫn viết bài).
+ Từ 14 giờ đến 16 giờ 30: Tọa đàm về giáo dục và đào tạo; công tác quản lý chư Tăng và tự viện (chư tôn đức các tỉnh, thành trình bày thực trạng ở địa phương, sau khi thảo luận sẽ có kết luận thống nhất chung).
– Ngày 11 tháng 5 năm 2023: Hội thảo từ 8 giờ đến 11 giờ.
Địa điểm: chùa SòLôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Ban Tổ chức xin trân trọng kính mời Quý đại biểu tham gia viết bài cho Hội thảo, toạ đàm nội bộ theo các chủ đề sau:
I. Chủ đề Hội thảo
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ KINH LÁ BUÔNG
- Bối cảnh ra đời và quá trình phát triển Kinh Lá Buông:
– Kỹ thuật chế tác Lá Buông và viết Kinh trên Lá Buông
– Lược sử hình thành và phát triển Kinh Lá Buông
– Sự phổ biến Kinh Lá Buông tại các chùa
- Giá trị lịch sử di sản văn hóa Kinh Lá Buông:
– Kinh Lá Buông là thư tịch cổ chứa nhiều triết lý sống của người Khmer
– Kinh Lá Buông là kho tàng nhân văn của người Khmer
– Kinh Lá Buông là kho tàng văn hóa Phật giáo
– Kinh Lá Buông là thư tịch cổ về quan niệm sống của người Khmer
– Kinh Lá Buông là nghệ thuật văn học dân gian của người Khmer
- Giải pháp Bảo tồn và phát huy Kinh Lá Buông:
– Giải pháp bảo tồn Kinh Lá Buông
– Giải pháp phát huy Kinh Lá Buông
II. Thể lệ bài viết
Bài tham luận được đánh máy vi tính trên một mặt giấy khổ A4 (210 x 297mm), font chữ Times New Roman (Unicode), cỡ chữ 13, lề trái 2 cm, lề phải 2 cm, lề trên 2 cm (kể cả hình vẽ, nếu có), cách dòng 1,5 lines.
Mỗi bài tham luận gửi về Ban Tổ chức bao gồm: Tiêu đề (viết hoa, in đậm, cỡ chữ 15); Tóm tắt (khoảng 200 từ); Từ khoá (3-5 từ); Nội dung tham luận (không quá 20 trang).
Tài liệu tham khảo và nguồn trích dẫn trình bày theo quy định một bài báo khoa học (tài liệu tham khảo và nguồn trích dẫn trình bày theo Quyết định số 02/QĐ-XHNV-TTPC-SHTT ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM về vệc ban hành quy định trích dẫn và chống đạo văn).
Cuối bài viết ghi rõ họ tên tác giả (hoặc đồng tác giả), chức vụ, chức danh khoa học, học vị nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và email.
– Thời gian gửi bài: từ ngày ra thông báo đến hết ngày 24/04/2023.
– Thông tin liên hệ và địa chỉ gửi bài:
Địa chỉ gửi bài: vitinhvp2@yahoo.com hoặc sudanhlung@gmail.com
Thông tin liên hệ: HT.TS. Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, số điện thoại: 0974994499.
Trân trọng./.