Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm tại chùa Vĩnh An – Nam Định
- Đăng Huy
- 13/12/2022
- Tưởng niệm
Nam Định – Sáng ngày 13-12, Môn đồ pháp phái Vĩnh Nghiêm đã trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm húy kỵ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, tại chùa Vĩnh An, tỉnh Nam Định quê hương của cố Trưởng lão Hòa thượng.
Hiện diện có Trưởng lão Hòa thượng Châu Ty, Phó Pháp Chủ HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS; cùng chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, các ban ngành Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định và Tăng Ni môn đồ pháp phái Vĩnh Nghiêm.
Tại giác linh đường, chư Tôn giáo phẩm thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức cao dày của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã vì Đạo pháp và Dân tộc trong suốt cuộc đời tu sĩ của Ngài.
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, khói trầm hương quyện tỏa, chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, HĐTS và toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đã đồng thanh tụng thời Bát nhã tâm kinh và nhất tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà cầu nguyện đến Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm được cao đăng thượng phẩm, quả chứng vô sanh.
Trưởng lãoHòa thượng Thích Thanh Kiểm, đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh năm Tân Dậu (1921) tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngài xuất gia năm 15 tuổi tại chùa Liên Đàm, Hà Nội và du học Nhật Bản, đỗ Tiến sĩ Phật học tại Đại học Rissho ở thủ đô Tokyo (1961).
Cùng với nhiều bậc tôn túc, Hòa thượng luôn dấn thân đi đầu trong sự nghiệp chấn hương Phật giáo miền Bắc, kế đến là vận động thống nhất GHPGVN, thành lập và khai mở nhiều trường đạo tạo Tăng Ni từ Bắc đến Nam, được thình mời tham gia giảng tại các Trung cấp, Cao đẳng và Đại hội Phật giáo.
Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn Đầu, Yết ma, Tuyên luật sư nhiều Đại giới đàn miền Đông và Tây Nam Bộ. Ngoài ra, Ngài còn trước tác, dịch thuật nhiều tác phẩm văn hóa giáo dục Phật giáo có giá trị học thuật cao như Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của Phật giáo (Nhật ngữ), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Khóa hư lục, Thiền lâm bảo huấn…
Sinh thời, Ngài từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt năm 1951, Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVN Thống nhất (1963), Trưởng ban Kinh tế – Tài chánh Trung ương, Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) và nhiều trọng trách khác của Giáo hội.
Thuận lý vô thường, Ngài an nhiên thị tịch vào lúc 1 giờ 30 ngày 30 tháng 12 năm 2000 nhằm ngày 5 tháng 12 Canh Thìn. Trụ thế 80 năm. Hạ lạp 58 năm.
Đăng Huy