Bảo tồn di sản Kinh Lá Buông là tri ân tiền nhân và trách nhiệm với thế hệ sau
- Đăng Huy
- 11/05/2023
- Chỉ Đạo - Chứng Minh Nổi bật
Đó là nhận định của Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương tại lễ khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông” tại chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, do Trung ương Giáo hội phối hợp với Bộ Nội vụ – Ban Tôn Giáo chính phủ, Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh An Giang, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức, sáng ngày 11-5-2023.
Nhằm cụ thể hóa các chương trình hoạt động của Giáo hội nhiệm kì IX, hôm nay, tại chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, Trung ương Giáo hội phối hợp với Bộ Nội vụ-Ban Tôn Giáo chính phủ, Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh cùng trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hoà thượng Chủ tịch, Trưởng Ban tổ chức cho biết; Kinh lá Buông hay gọi là sách lá Buông là loại sách viết trên lá khô, theo nhiều học giả nghiên cứu đã xuất hiện tại nước Nam Á cách đây hơn 2.000 năm, để ghi chép các loại kinh như kinh Phật và các sự kiện khác trong đời sống. Những nước chịu ảnh hưởng văn hóa-tôn Giáo của nước Nam Á như Ấn Độ hay Sri Lanka thì cũng sử dụng sách lá Buông như Myanmar, Thái lan, Campuchia,…Cũng tương tự, Phật Giáo Nam tông Khmer Nam Bộ từ xa xưa đã chịu ảnh hưởng văn hóa Bà la môn Giáo và Phật Giáo, thì cũng sử dụng sách lá Buông trong việc tu học cũng như ghi chép các sự kiện trong đời sống. Đến khi có sách giấy xuất hiện thì Phật Giáo Nam tông Khmer chuyển sang sử dụng dần sách giấy nhiều hơn, ít sử dụng sách lá Buông, từ đó sách lá Buông ít được phát huy, đã trở thành sách cổ quí hiếm.
Phật Giáo Nam tông Khmer là một trong chín tổ chức, hội, hệ phái tham gia sáng lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam từ năm 1981. Hiện nay Phật Giáo Nam tông Khmer 462 chùa trong đó có 19 chùa theo hệ Dhammayut, có 443 chùa theo hệ Mahānikāya và có hơn 1,3 triệu người Khmer theo đạo Phật. Từ ngày thành lập đến nay, dù ở hoàn cảnh nào thì Phật Giáo Nam tông Khmer luôn có lập trường ổn định thể hiện trách nhiệm là một thành viên tích cực trong việc thực hiện ý chí và hành động, đòan kết hòa hợp trong ngôi nhà chung của Giáo hội, giữ gìn và phát huy văn hóa-tôn Giáo đúng theo tính biệt truyền của hệ phái cũng như đúng theo tinh thần hiến chương của Giáo hội, góp phần làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam luôn được ổn định và không ngừng phát triển trong lòng dân tộc. Nhận thức được tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp quan trọng đó, từ khi thành lập Giáo hội đến nay cũng như mỗi kì đại hội, Giáo hội đã đề ra nhiều chương trình hoạt động nhằm giúp cho các hệ phái trong đó có hệ phái Phật Giáo Nam tông Khmer phát triển một cách đồng bộ.
Hoà thượng cho biết thêm, trong suốt thời gian qua, Giáo hội đã thực hiện đầy đủ 7 điều kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác hỗ trợ Phật Giáo Nam tông Khmer như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thành lập học viện, thỉnh kinh và các loại sách học khác từ Campuchia v.v. về nghiên cứu học tập. Trong nhiệm kỳ Đại hội IX (2022-2027) Giáo hội đã đề ra 5 chương trình trọng tâm trong đó có chương trình hỗ trợ Phật Giáo Nam tông Khmer như: 1/ là hỗ trợ xây dựng các hạng mục còn lại của Học viện Phật Giáo Nam tông Khmer; 2/ là tổ chức đoàn Phật Giáo Nam tông Khmer thăm thủ đô Hà Nội; 3/ là mở lớp dạy kinh lá Buông và thành lập bảo tàng kinh lá Buông tại An Giang; và 4 là thông báo tổ chức Hội nghị Chuyên đề Phật Giáo Nam tông Khmer theo hình thức mới là 5 năm một lần và lần thứ nhất tổ chức tại TP.Cần Thơ năm 2025. Và trước kì hội nghị tổng kết hằng năm sẽ tổ chức trao đổi tại chùa Candaraṅsī TP.Hồ Chí Minh.
“Hội thảo khoa học với chủ đề: “bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông”, nhằm tìm hiểu bối cảnh ra đời, ý nghĩa, giá trị và thực trạng sách lá Buông hiện nay, từ đó có giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy ý nghĩa và giá trị vốn có của sách lá Buông. Đây được xác định là việc làm hết sức có ý nghĩa, thiết thực và cấp bách nhằm giữ gìn và phát huy giá trị trí tuệ bậc tiền nhân của chư tăng và Phật tử Khmer để lại. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa phi vật thể kinh lá Buông còn là việc làm thể hiện đầy trách nhiệm và bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với bậc tiền nhân, thể hiện đầy trách nhiệm đối với thế hệ hôm nay và mai sau.”, Hoà thượng nhấn mạnh
Hoà thượng Chủ tịch mong rằng tại hội thảo khoa học lần này, chư Tôn đức, các học giả các nhà nghiên cứu sẽ tập trung thảo luận, đối chiếu luận cứ khoa học, tìm ra những dữ liệu mới bổ sung vào điều còn khiếm khuyết, tháo gỡ những điểm nghẹn làm rõ thêm những điều còn mơ hồ và tìm ra giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy tốt ý nghĩa và giá trị sách lá Buông.
Dịp này, Hoà thượng gởi lời chúc chư tôn đức, chúc Ban Tôn Giáo chính phủ, chư vị chính quyền tỉnh An Giang, huyện Tri Tôn và xã Lương Phi sở tại cùng các học giả, các nhà nghiên cứu, chư tăng, Phật tử Khmer Nam Bộ và chư tăng, Phật tử chùa Sà Lôn vô lượng an lạc, được hưởng 4 pháp chúc mừng của đức Phật là: A dú, oanh ná, số khá, pá lá (sống lấu, sắc tốt, an vui và sức mạnh).
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Hội thão đã nhận được 71 bài tham luận của các học giả, các nhà nhiên cứu, các nhà khoa học từ khắp mọi miền của đất nước. Những bài viết này đã thể hiện đầy đủ tinh thần yêu văn hóa, tinh thần nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến chung cho dân tộc Việt Nam. Những bài Hội thảo này đã được phản biện và phân thành 3 nhóm chủ đề, gồm: 1. Bối cảnh lịch sử ra đời và giá trị sách Lá Buông, 2. Giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa sách Lá Buông, 3. Thực trạng và giải pháp bảo tồn giá trị di sản kinh sách Lá Buông.
Đăng Huy