Bình Dương: Khai giảng khoá bồi dưỡng trụ trì năm 2023
- Đăng Huy
- 17/06/2023
- Chỉ Đạo - Chứng Minh Nổi bật
Sáng ngày 17/6, tại Trung tâm văn hoá Phật Niết Bàn – Tổ đình Hội Khánh, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương đã quang lâm chứng minh và ban lời huấn từ cho Khoá bồi dường trụ trì năm 2023 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức.
Cùng tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hoà thượng Thích Huệ Thông, thành viên HĐCM; Hoà thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS; Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương; Hoà thượng Thích Minh Duyên, Uỷ viên HĐTS, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương; chư Tôn đức Ban Trị sự và Tăng Ni là Ban quản trị các cơ sở tự viện trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Hoà thượng Thích Huệ Thông nhấn mạnh lại vai trò, trách nhiệm của người trụ trì trong thời hiện đại “Người trụ trì có trách nhiệm duy trì mạng mạch Phật pháp, tinh tấn tu tập đến Giác ngộ, đồng thời phải am hiểu về hành chánh quản lý, hiến chương, các nội quy của Giáo hội và luật pháp nhà nước hiện hành”.
Thông qua Khoá bồi dưỡng trụ trì, học viên sẽ được chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, nhà chức trách giảng dạy về nhiều nội dung quan trọng mà người trụ trì cần biết, từ đó nâng cao kiến thức quản lý các cơ sở tự viện trực thuộc Giáo hội. Với ý nghĩa đó, Hoà thượng Trưởng Ban Trị sự yêu cầu chư Tăng Ni phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy khoá học, tích cực tiếp thu những giá trị mà khoá học mang đến.
Dịp này, Hoà thượng Thích Huệ Thông cũng báo cáo đến Hoà thượng Chủ tịch về Khoá An cư kiết hạ PL.2567 của Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Phật giáo Bình Dương có 309 hành giả đăng ký an cư tập trung tại 4 trường hạ: Tổ đình Hội Khánh, Trường Trung cấp Phật học tỉnh; chùa Tuỳ Duyên, chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Tổng số hành giả an cư nội, ngoại thiền trong tỉnh là hơn 750 vị.
Thời khoá tu học đúng theo Thiền Môn Quy Củ, mỗi tháng 2 kỳ Tăng Ni phải tập trung về Trụ sở Giáo hội tỉnh để cùng Bố-tát và sinh hoạt Tăng sự.
Thượng toạ Thích Huệ Tín, Chánh Thư ký Ban Trị sự báo cáo quá trình tổ chức và thời khoá giảng dạy của khoá bồi dưỡng trụ trì, cho biết, khoá học diễn ra trong 4 ngày (từ 17 – 20/6/2023), tổng số học viên tham dự 429 Tăng Ni, hiện là trụ trì, phó trụ trì, tri sự các cơ sở tự viện trong tỉnh Bình Dương.
Nội dung được học gồm: Quy chế Ban Tăng sự Trung ương, Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Giới luật đại cương, Truyền thông Phật giáo – những thuận lợi và thử thách, Vai trò hướng dẫn Phật tử của người trụ trì, Vai trò trụ trì trong tổ chức Giáo hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Thông báo tình hình thời sự trong khu vực và quốc tế, Kiến thức an toàn giao thông.
Để giúp Tăng Ni Phật giáo tỉnh Bình Dương có được hành trang vững chắc trong tu tập và hành đạo, Hoà thượng Chủ tịch HĐTS đã ban lời huấn từ, sách tấn tại khoá bồi dưỡng trụ trì.
Hoà thượng nêu tầm quan trọng của cơ sở tự viện và vị trụ trì trong tổ chức Giáo hội. Nếu một người trụ trì là bậc mô phạm, giữ gìn Giới đức trong sạch, có đạo hạnh trang nghiêm thì tự viện của người ấy sẽ được trang nghiêm, từ đó Giáo hội được trang nghiêm “vì Tăng Ni là gốc, là lượng nồng cốt hậu thuẩn cho sự phát triển vững mạnh của Giáo hội”.
Hoà thượng nhắc nhở, người tu sĩ Phật giáo phải có thái độ, tinh thần trách nhiệm cao với sự trường tồn của Đạo pháp, quần chúng Phật tử, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, kết duyên với chính quyền địa phương. Nhờ vậy xung quanh mình sẽ có nhiều bồ đề quyến thuộc để giúp cho đời sống tu hành và phụng sự chúng sanh gặp nhiều thuận duyên.
Sách tấn đến chư hành giả đang an cư tại các Trường hạ trọng tỉnh, Hoà thượng căn dặn, ba tháng an cư theo luật Phật chế định là khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong đời sống của Tăng Ni, tránh tiếp xúc với các mối quan hệ ngoài xã hội, có cơ hội sống chung theo tinh thần lục hoà để giúp tăng nội lực của Tăng đoàn.
Theo Hoà thượng, An cư kết hạ cũng là dịp để người tu sĩ được chuyển hoá thân tâm, trau dồi Giới-Định-Tuệ, tăng trưởng đạo hạnh, từng bước thành tựu được thánh quả giải thoát, Giác ngộ. Vì thế nếu một người xuất gia không an cư thì nhất định không phải là người tu sĩ chân chính, dù là “đầu tròn áo vuông” nhưng bên trong không có đạo hạnh.
Đăng Huy