Hòa thượng Chủ tịch: Văn học Phật giáo Việt Nam được phát huy sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại
- Đăng Huy
- 12/01/2024
- Chỉ Đạo - Chứng Minh
“Tôi tin tưởng rằng, những giá trị và đóng góp của Văn học Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại.” Hòa thượng Chủ tịch nhấn mạnh tại hội thảo “Văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm: vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu“.
Tham dự và chứng minh lễ khai mạc hội thảo, diễn ra sáng 12-1, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã phát biểu nhận định về tầm quan trọng của Văn học Phật Việt Nam, qua đó có những đánh giá sâu sắc nhằm định hướng cho Hội thảo.
Thay mặt Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp bài và tham gia của 124 nhà nghiên cứu trong hội thảo quan trọng này. “Với những giá trị to lớn của mình, văn học Phật giáo Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Nhân Hội thảo này, tôi đề nghị quý Tăng, Ni và các học giả tập trung vào 4 vấn đề chính: Tầm quan trọng của văn học Phật giáo Việt Nam, những thành tựu và hạn chế trong việc nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam, những nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm trong thời gian tới, nghiên cứu bản dịch các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam sang các ngôn ngữ khác.”, Hòa thượng nói.
Theo Hòa thượng, văn học Phật giáo Việt Nam nhờ sự đa dạng, phong phú, bao gồm kinh luận, truyện, thơ ca, ca dao, tục ngữ, nên việc nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc Việt Nam, tiếp thu những giá trị tinh thần cao đẹp của Phật giáo, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngài nhận định, văn học Phật giáo Việt Nam đã mang đến cho người Việt Nam những giá trị tinh thần cao đẹp gồm tư tưởng nhân văn, tư tưởng đạo đức, tư tưởng giải thoát, giúp người Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, hướng đến những điều thiện lành, tốt đẹp.
Dịp, Hòa thượng đã giới thiệu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, văn học, tư tưởng của văn học Phật giáo Việt Nam trong suốt 2.000 năm qua: (1) Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát, (2) quyển Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội do GS. Trần Hữu Tá và HT. Thích Giác Toàn chủ biên, (3) Văn học Phật giáo Việt Nam: Thành tựu và hướng nghiên cứu mới do GS. Đoàn Lê Giang và Nguyễn Công Lý chủ biên; (4) Văn học, Bộ sách văn học Phật giáo Việt Nam do TT. Thích Phước Đạt và TT. Thích Hạnh Tuệ làm chủ biên.
Nhận thấy việc nghiên cứu về văn học Phật giáo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thống kê đầy đủ về các tác phẩm văn học kể cả về số lượng, nội dung, thể loại; Người đứng đầu HĐTS khuyến khích tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề còn hạn chế, như: thống kê đầy đủ các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu sâu sắc về phong cách nghệ thuật, ảnh hưởng của văn học Phật giáo Việt Nam đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam.
“Văn học Phật giáo Việt Nam là kho tàng văn học quý giá, cần được giới thiệu rộng rãi ra thế giới. Nghiên cứu bản dịch các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam sang các ngôn ngữ khác giúp chúng ta giới thiệu văn học Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.”, Chủ tịch GHPGVN bày tỏ.
Toàn văn phát biểu của Hòa thượng Chủ tịch
Tầm quan trọng, những thành tựu và trọng tâm nghiên cứu về Văn học Phật giáo Việt nam
Được biết, nội dung hội thảo lần này các học giả, nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến 04 nhóm chuyên đề chính là: Vấn đề văn bản và thư tịch, Văn học Phật giáo và loại hình tác giả thiền sư, Văn học Phật giáo và loại hình tác giả nhà Nho, Văn học Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và khu vực.
Theo đó, 124 bài tham luận tại hội thảo được tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản của văn học Phật giáo Việt Nam bao gồm: Bốn phân kỳ, bảy hướng nghiên cứu về ngôn ngữ, thể loại, bút pháp của văn học Phật giáo Việt Nam, các tác giả, tư tưởng Phật giáo, triết lý nhân sinh và các giá trị của văn học Phật giáo Việt Nam.
Đăng Huy