Long trọng khánh thành Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang
- Đăng Huy
- 20/10/2022
- Chỉ Đạo - Chứng Minh Nổi bật
Kiên Giang – Sáng ngày 20/10, kỷ niệm 100 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang thị hiện, Hệ phái khất sĩ Việt Nam đã long trọng làm lễ khánh thành Di tích Tổ sư đắc đạo tại Mũi Nai (Hà Tiên, Kiên Giang).
Buổi lễ đã trân trọng đón tiếp Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, chư Tôn đức HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Tăng Ni thuộc Hệ phái khất sĩ, đại diện Ban Tôn giáo Chính, Cục an ninh nội địa – Bộ Công an, chính quyền các cấp tỉnh Kiên Giang, TP .Hà Tiên.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tổ chức đã ôn lại sơ lược tiểu sử của Tổ sư Minh Đăng Quang, quá trình tu hành đắc đạo của Tổ sư gắn liền với 4 di tích, khơi nguồn cho lịch sử Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
Hòa thượng cho biết thêm, năm 2009, nhân duyên hội đủ, khu đất triền dốc diện tích hơn 4.000 m2 thuộc Núi Gành Đèn, mặt trước hướng biển, mặt sau tựa núi tại khu phố 3, phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên được xác định là địa điểm Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo.
Vào ngày 11/11/2020 (nhằm 26 tháng 9 năm Canh Tý) kỷ niệm ngày hiện thân vào đời lần thứ 97 của Đức Tổ sư, Ban Thường trực Hệ phái Phật giáo Khất sĩ long trọng tổ chức Lễ Đặt đá Phục dựng Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo. Trải qua hai năm xây dựng, công trình Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo đã hoàn thành, gồm các hạng mục chủ yếu như: Ở giữa khu đất là hạng mục chính có diện tích 550m2, chiều ngang 20 mét 40, dài 27 mét, cao 2 tầng. Tầng trên là Chánh Điện Bát Chánh Đạo. Chính giữa chánh điện là bảo tháp thờ Phật bằng gỗ mít, 13 tầng cấp, cao 04 mét. Giữa bảo tháp là tượng Phật Bổn sư Thích Ca tọa thiền bằng gỗ Cẩm Hồng cao 2 mét 40, an tọa trên đài sen 0.85 mét.
Phía sau Đức Phật là một tôn tượng bằng đá khắc họa chân dung Tổ sư đang ngồi. Vách trước và hai bên hông Chánh Điện tôn trí các hình ảnh ghi lại cuộc đời của Đức Tổ sư từ sơ sinh đến ngày vắng bóng. Trên đỉnh mái, chính giữa là Ngọn Đuốc Sen – Đèn Chơn Lý thiêng liêng, xung quanh bốn góc mái là bốn hoa sen, viền đỉnh mái là những cánh sen đối xứng tươi nở.
Tầng dưới là phòng đa năng có diện tích 550m2. Từ ngoài nhìn vào tòa Chánh Điện, bên trái là dãy nhà Tăng, bên phải là dãy nhà khách Ni và Phật tử, mỗi bên có diện tích 369m2, cao 3 tầng. Phía sau Chánh điện có hai tháp thờ lục giác cao 09 mét. Tháp bên trái tôn trí một pho tượng Tổ sư đứng trang nghiêm. Tháp bên phải tôn trí một pho tượng Tổ sư trì bình khất thực. Chính giữa là tượng Tổ sư Minh Đăng Quang ngọa thiền bằng đá marble dài 3 mét 32.
Cả công trình tựa lưng vào vách núi có tường chắn dài 80 mét, cao 09 mét, dày 0.40 mét khắc họa chữ đồng thi hóa cuộc đời và hành trạng của Tổ sư cũng như những cảm tác về công hạnh của Ngài. Góc trái của tường chắn có thờ một pho tượng Đức Phật chuyển Pháp luân bằng đá marble trắng, cao 04 mét 20, ngang 02 mét 50. Góc phải có thờ đức Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni bằng đá marble trắng, cao 02 mét 15, ngang 01 mét 20. Phía trước sát mặt biển có tấm bia di tích từ thời xa xưa ghi dấu nơi Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Ủy viên TT HĐTS, Phó văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã công bố quyết định tặng bằng tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội cho Ban Kiến thiết đã kiến tạo lại điểm Di tích lịch sử mang tính văn hóa tâm linh nổi bật, góp phần tô điểm cho Phật giáo Kiên Giang.
Tiếp đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang công bố quyết định bổ nhiệm Ban Quản lý Di tích đắc đạo Minh Đăng Quang, phường Pháo Đài, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang gồm: 2 vị Hòa thượng cố vấn và 05 vị Ban quản lý, do Hòa thượng Thích Minh Bửu làm trưởng ban.
Trong Lễ Khánh thành, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tich HĐTS đã có lời đạo từ. Hòa thượng nhắc lại lời Đức Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn, “Ở thế gian này có hai hàng đệ tử tối thượng của Như Lai, một là gìn giữ những cái cũ, hai là xây dựng những cái mới”. Qua đó, ngài tán thán Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ – thành viên GHPGVN – trong suốt thời gian qua đã giữ gìn, nỗ lực tái tạo những nơi đã có sự gắn liền với các sự kiện quan trọng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Hà Tiên…
Hòa thượng cũng ôn lại quá trình tìm đạo, ẩn tu nghiêm mật, đắc đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang sau khi nghiên tầm hệ thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền. Hòa thượng nhắc lại, tại Mũi Nai này, Tổ sư Minh Đăng Quang đã ngộ đạo sau khi ngồi quán chiếu theo pháp môn của Bích Chi Phật. Từ chiếc thuyền đánh cá trôi nổi bấp bênh trên biển cả, Tổ ngộ lý khổ – không – vô thường – vô ngã của hàng Duyên Giác, Bích Chi Phật qua bài kệ “Thuyền Bát Nhã”. Đây là giáo lý căn bản đầu tiên, chính thức khai sáng Đạo Phật Khất sĩ VN nối truyền Thích Ca Chánh Pháp.
“Qua đó, kể từ năm 1944, Phật giáo VN có thêm hai lẵng hoa tươi đẹp có màu, có sắc, có hương đó là Tăng-già Khất sĩ VN và Ni giới Khất sĩ VN hoạt động hữu hiệu trong lòng Phật giáo VN”, Hòa thượng nói. Hòa thượng tán dương tinh thần sinh hoạt hài hòa, ổn định, hòa hợp với nền văn hóa dân tộc cũng như phong tục của vùng miền của Hệ phái Khất sĩ, phát triển mạnh mẽ ở trong nước và nước ngoài. Hòa thượng cũng bày tỏ tin tưởng sự phát triển của Hệ phái nói riêng và Phật giáo VN trong hiện tại và tương lai.
Hòa thượng nhắc lại 4 hạng người nên xây tháp tôn thờ được Đức Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn đó là Đức Như Lai Chánh đẳng Chánh giác, bậc A-la-hán, Chuyển luân Thánh vương và Thánh tăng. Đồng thời, có 4 nơi hàng đệ tử Phật thường chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường sẽ đầy đủ phước báo để thành tựu quả vị cao thượng đó là “Tứ động tâm”: nơi Đức Phật đản sinh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân và nhập Niết-bàn. Do vậy, với 4 động tâm của Tăng-già Khất sĩ VN ở Vĩnh Long, Hà Tiên, Mỹ Tho, Tăng Ni, Phật tử thuộc hệ phái hướng về, tái tạo di tích Tổ sư chính là việc làm được Đức Phật ấn chứng là hạnh lành tri ân báo ân.
Theo Hòa thượng, việc khôi phục di tích này về mặt xã hội cũng là địa điểm tâm linh hướng về của Tăng Ni, Phật tử, thuộc sự quản lý của BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Ngài đề nghị, việc điều hành cơ sở cần tuân thủ theo truyền thống và đoàn kết hòa hợp, trong tinh thần của hiến chương Giáo hội, tôn trọng luật pháp.
Sau nghi thức hành chánh, chư Tôn đức giáo phẩm đã quang lâm chánh điện cùng cắt băng khánh thành Di tích và thực hiện nghi lễ tâm linh, niệm hương bạch Phật, sái tịnh an vị Tôn tượng Phật Bổn sư và tụng kinh cầu nguyện cho quốc thế dân an, Phật pháp trường tôn, chúng sanh an lạc.
Một số hình ảnh lễ khánh thành:
Đình Long – Đăng Huy