Thủ tướng Chính phủ thăm, chúc mừng Phật đản tại chùa Quán Sứ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại diện các bộ, ban ngành Trung ương sáng nay, 2-6 (nhằm 15-4-Quý Mão) đã đến Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo VN – chùa Quán Sứ (Hà Nội) thăm, chúc mừng Phật đản Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS, cùng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN đã trân trọng đón tiếp phái đoàn.
Tại buổi thăm, Thủ tướng đã có phát biểu quan trọng, bày tỏ niềm vui được tới chùa Quán Sứ – trụ sở của Giáo hội Phật giáo VN, nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo VN – để tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đại lễ Phật đản là lễ hội văn hóa lớn của Phật giáo, được Liên Hiệp Quốc công nhận.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN và với tình cảm cá nhân sâu sắc, tôi trân trọng gửi tới chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo VN, Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của GHPGVN thành tựu viên mãn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cho rằng, Phật giáo là tôn giáo của từ bi, của lòng nhân ái và tính hướng thiện, ra đời vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” – đạo Phật và đời luôn gắn liền nhau. Triết lý này của Phật giáo có ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, là tư tưởng nhập thế của vua Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, các vị thiền sư thời Lý – Trần và tiếp nối đến ngày nay.
“Với gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành với dân tộc, Phật giáo VN đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Phật giáo đã thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện vào xã hội Việt Nam, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cũng tán dương những đóng góp của Giáo hội Phật giáo VN, Tăng Ni, Phật tử trong suốt chiều dài lịch sử, thể hiện được tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, “Hộ quốc, an dân” và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.
Thủ tướng chia sẻ niềm vui khi Giáo hội Phật giáo VN tổ chức thành công 3 lần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới và nâng cao vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tưởng lại thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, Phật giáo đã cùng cả nước “chống dịch như chống giặc”, hình ảnh Tăng Ni, Phật tử tham gia vào công cuộc chia sẻ khó khăn với người dân, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết – là hình ảnh đẹp, thể hiện tinh thần từ bi của Phật giáo, “đại đoàn kết toàn dân tộc”. Thủ tướng khẳng định sức sống của Phật giáo trong mọi hoàn cảnh.
Dịp này, Thủ tướng cũng chúc Tăng Ni, Phật tử sức khỏe, chính kiến tu hành, hoàn thành mọi Phật sự. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo VN các cấp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, thực hiện và động viên Tăng Ni, Phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc và ấm no.
Đáp từ, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn thay mặt Trung ương Giáo hội bày tỏ hân hoan được đón tiếp Thủ tướng và phái đoàn. Hoà thượng nhắc lại thông điệp mà Đức Phật mang lại cho con người là “từ bi, trí tuệ, hòa bình, đoàn kết và nhân bản tuyệt đối”.Với tất cả ý nghĩa đó, nhân loại ứng dụng và mang lại giá trị hòa bình cho thế giới. Theo đó, ngày Đản sinh của Đức Phật trở thành ngày đại lễ toàn nhân loại.
Hòa thượng cảm ơn sự tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước trong tự do tôn giáo. Ngài nói, Phật giáo tùy duyên đóng góp, khẳng định Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc, trong lúc an cũng như lúc nguy.
“Trong thời bình, Phật giáo đóng góp theo thời bình, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, trong thời chiến, Phật giáo cùng nhân dân góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trong đại dịch Covid-19, các Tăng Ni đã “cởi áo cà sa, khoác áo blouse”, cùng Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân vượt qua đại dịch. Trung bình mỗi năm, Giáo hội dành hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, từ thiện xã hội”, Hoà thượng Chủ tịch nói về việc đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo, như nước với sữa.
Qua đó, Hoà thượng cũng báo cáo với Thủ tướng và phái đoàn những công tác Phật sự mà Trung ương giáo hội thực hiện trong năm đầu nhiệm kỳ IX, nhất là các hoạt động đối ngoại quan trọng cần sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước như Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 2024, tổ chức tại TP.HCM.
Hòa thượng khẳng định sẽ hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử sống đúng Chánh pháp và tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Cuối cùng, Hoà thượng Chủ tịch chúc Thủ tướng thân khỏe tâm an, lãnh đạo đất nước phát triển, đạt được tầm nhìn 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, công nghệ cao, giàu mạnh.
Sau buổi thăm, Thủ tướng được chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội hướng dẫn Tắm Phật theo nghi thức truyền thống, dâng hương đăng cúng Phật và thực hiện nghi lễ cầu nguyện quốc thái dân an.
Đình Long, ảnh: Đăng Huy