Trang nghiêm Tưởng niệm 9 năm viên tịch Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh
- Đăng Huy
- 19/03/2023
- Nổi bật Tưởng niệm
Sáng ngày 19-3 (nhằm 28-2 Quý Mão), Trung ương Giáo hội kết hợp cùng Tông môn tổ đình Vạn Linh, chùa Vạn Đức trang nghiêm cử hanh lễ Tưởng niệm 9 năm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, nguyên Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Hiện diện có sự quang lâm: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Ủy viên TT HĐCM; Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Trưởng lão Hòa thượng Hộ Chánh, đồng thành viên HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban Kiểm soát Trung ương; chư Tôn đức HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM và TP.Thủ Đức.
Thay mặt Trung ương Giáo hội, Chủ tịch HĐTS Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
Đại lão Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ngài là con thứ bảy trong một gia đình trung nông kính tin Tam bảo.
Năm 1937, Ngài lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu thế độ xuất gia với Hoà thượng Hồng Xứng và ban Pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.Năm 1941, Ngài thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân và được Hoà thượng Trí Độ đặt cho pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, Ngài thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc.
Vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, Đại lão Hòa thượng đã có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam như: Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm và Đại học Vạn Hạnh.
Trong trí nhớ của bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, Đại lão Hòa thượng được xem là Tam tạng đại sư của Phật giáo đại thừa Việt Nam. Trong quá trình hành đạo của mình, Ngài vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn nhiều bản kinh, sách bằng tiếng việt có giá trị lịch sử cho đến hôm nay và mai sau. Đồng thời, Đại lão Hòa thượng cũng được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng thống (1973).
Là một thạch trụ tòng lâm của Phật giáo Việt Nam, với uy đức và giới hạnh trang nghiêm, Đại lão Hoà thượng được GHPGVN suy tôn lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp Chủ kiêm giám luật HĐCM và suy cử đảm nhiệm Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tại Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ II cho đến ngày viên tịch. Ngoài ra, Đại lão Hoà thượng cũng được cung tỉnh làm Hoà thượng Đàn đầu, Tuyên luật sư, Yết-ma A xà lê tại các Đại giới đàn lục tỉnh Nam bộ.
Trong quá trình hành đạo của mình, Ngài cũng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ chùa Vạn Linh, chùa Vạn Đức, thiền viện Quảng Đức – trụ sở Văn phòng II T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Là một trong những Cao tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đại lão Hòa thượng đã có những đóng góp, những công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.
Đại lão Hòa thượng là một bậc tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng trăm môn đồ đệ tử đã trưởng thành, noi gương từ bi hỷ xả, tự giác giác tha của Hòa thượng để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội.
Khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Đại lão Hòa thượng đã viên mãn, thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Đại lão Hòa thượng trở về Tây phương kiến Phật vào lúc 9 giờ 15 phút, ngày 28-3-2014 (nhằm ngày 28-2-Giáp Ngọ). Trụ thế 98 năm, hạ lạp 69 năm.
Trước di ảnh của Đại lão Hòa thượng, chư Tôn đức Trung ương Giáo hội thành kính đốt nén tâm hương tưởng niệm và đảnh lễ tri ân bậc Long tượng thiền gia. Theo đó tứ chúng cùng tụng Bát-nhã tâm linh cúng dường Giác linh Đại lão Hòa thượng
Chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đồng phát nguyện học theo đức hạnh sáng ngời và thừa hành di huấn của Đại lão Hòa thượng, phát huy sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, làm lợi lạc tha nhân, xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.
Đăng Huy