Hội thảo khoa học Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai “Hội tụ và lan toả”
Nhân dịp 90 năm Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền viên tịch, Môn phong Tổ đình Phi Lai phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học: Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai “Hội tụ và lan toả”, vào sáng ngày 5-3-2023, tại Tổ đình Phi Lai (H.Tịnh Biên, T.An Giang).
Chỉ đạo Hội thảo là Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Tông trưởng Môn phong Tổ đình Phi Lai; Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo là Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS; tham dự có Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, chư Tôn đức HĐTS, Tăng Ni môn hạ Tổ đình; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục an ninh nội địa – Bộ Công an, chính quyền T.An Giang, các tổ chức phối hợp thực hiện, cùng các nhà nghiên cứu và học giả tri thức.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Huệ Thông bày tỏ; Để làm rõ hơn về hành trạng, công đức và sự đóng góp to lớn của Tổ Như Hiển – Chí Thiền cũng như vai trò của Tổ đình Phi Lai trong phong trào chấn hưng Phật giáo và công cuộc hoằng pháp lợi sinh; Hội thảo sẽ được nghe chư Tôn đức, các Nhà Nghiên cứu, học giả tri thức có tâm huyết tôn kính đối với Tổ sư và Tổ đình Phi Lai, trình bày, báo cáo tham luận qua các góc nhìn khác nhau trên cơ sở khoa học về cuộc đời và sự đóng góp của tổ sư Như Hiển cũng như vai trò của Tổ đình Phi Lai.
Tại Hội thảo đã đón nhận bài lời chúc mừng của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam do Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện Trưởng phát biểu; Trường Đại học KH-XH-NV, Đại hội Quốc gia TP.HCM do PGS.TS.Ngộ Thị Phương Lan, Hiệu trưởng phát biểu; Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo phát biểu.
Đặc biệt, thay mặt Trung ương GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS có lời phát biểu chỉ đạo, đưa ra 04 mục tiêu để định hướng cho nội dung trình bày và thảo luận của các học giả tham dự Hội thảo.
Dịp này, Hòa thượng bày tỏ phấn khởi vui mừng được cùng chư Tôn đức và quý vị học giả ôn lại một chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng cũng rất tự hào vinh quang của dân tộc và Phật giáo nước nhà. “Niềm tự hào và vinh quang đó chính là những cống hiến to lớn mang ý nghĩa lịch sử của chư vị Tổ sư nơi Tổ đình Phi Lai; Tiếp nối truyền thống cao đẹp của chư vị Tổ sư, GHPGVN đã và đang viết tiếp vào trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc.” Hòa thượng nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, đồng Trưởng Ban Tổ chức, báo cáo đề dẫn, cho biết. Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận gần 30 bài tham luận, bài nghiên cứu và ý kiến phát biểu từ các bậc Tôn túc, nhà nghiên cứu, khoa học, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các học giả đã đánh giá rất nghiêm túc, khoa học và chi tiết về hành trạng của Tổ sư – Hoà thượng Thích Chí Thiền và Tổ đình Phi Lai.
Hội thảo xoay quanh 03 chủ đề chính gồm: 1. Vai trò của Tổ đình và Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền trong trong sự nghiệp phụng sự dân tộc và Chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, 2. Vai trò của Tổ đình và Tổ sư trong việc tham gia đào tạo Tăng tài trong việc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX và những đóng góp trong việc xây dựng thành công phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI, 3. Những khuyến nghị về cách thức và giải pháp nhằm xây dựng phát huy vai trò văn hóa và di sản Tổ đình Phi Lai trong hiện tại và tương lai.
Sau phiên khai mạc, chủ tọa đã điều hành Hội thảo và lần lượt mời học giả lên trình bày 05 bài tham luận được đánh giá nổi bật và quan trọng nhất trong gần 30 bài được được Ban Tổ chức in ra trong Kỷ yếu.
Các bài tham luận được trình bày tại Hội thảo gồm: Mối liên hệ giữa tổ Thanh Kế – Huệ Đăng và tổ Như Hiển – Chí Thiền (HT. Thích Thiện Xuân); Công nghiệp hoằng pháp của tổ Chí Thiền đối với công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam (TT.TS. Thích Phước Đạt); Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tôn giáo trong thời kỳ hội nhập mới – những bài học kinh nghiệm từ Tổ đình Phi Lai (TS. Bùi Thị Ánh Vân); Sự liên hệ giữa Tổ đình Phi Lai và Tổ đình Phước Hậu; Khảo về quê quán và gia tộc của thiền sư Như Hiển Chí Thiền (ĐĐ.TS.Thích Quảng Tiến).
Đặc biệt, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Tông trưởng Môn phong Tổ đình Phi Lai đã đóng góp 3 bài tham luận quan trọng cho Hội thảo gồm: Vai trò của Tổ đình Phi Lai và Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền với đạo pháp và dân tộc, Công đức Tổ Phi Lai Chí Thiền trong phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam, Tổ đình Phi Lai – Hội tụ và lan tỏa).
Qua Hội thảo khoa học lần này, chúng ta đã có cái nhìn thực tiễn hơn, khoa học hơn để xác quyết một cách có cơ sở khoa học về chứng tích tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân to lớn của tổ Như Hiển – Chí Thiền, một danh tăng tiêu biểu trong sự nghiệp tham gia đào tạo Tăng tài, hun đúc nên những bậc pháp khí đại thừa, tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam đương đại, góp phần tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, phổ lợi chúng sanh.
Từ đó những thế hệ mai sau được thừa hưởng những giá trị đạo hạnh từ cuộc đời của Tổ sư và chư vị tiền bối trong Tông môn Tổ đình Phi Lai, để rồi phát huy tiếp tục viết nên những trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam.
Đăng Huy