Trang nghiêm tưởng niệm 90 năm ngày viên tịch Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền
- Đăng Huy
- 06/03/2023
- Nổi bật Tưởng niệm
Sáng ngày 6-3 (ngày Rằm tháng 2 năm Quý Mão), môn phông Tổ đình Phi Lai (An Giang) đã trang nghiêm tưởng niệm 90 ngày viên tịch của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền, bậc danh tăng lỗi lạc tại vùng đất Tây Nam Bộ.
Quang lâm chứng minh có Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông đồng Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp;
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, viện chủ tổ đình Phi Lai; chư tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Đào Như, Hòa thượng Thích Huệ Trí, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Hòa thượng Thích Thiện Thống (Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang), cùng chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng II TƯGH, các ban ngành, viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang và các tỉnh thành; cùng lãnh đạo chính quyền các cấp và đông đảo Phật tử tham dự.
Tại buổi lễ, thay mặt Môn phong Tổ đình, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS đã cùng tuyên tiểu sử Tổ Như Hiển – Chí Thiền
Tổ sư thế danh là Nguyễn Văn Hiển, sinh tháng 02 năm Tân Dậu (1861) tại Quảng Nam, xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Ngài là một trong những bậc danh Tăng tiêu biểu ở miền Tây Nam Bộ nửa đầu thập kỷ XX đã góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, nơi chốn Tổ Phi Lai, được xem là một trong những cái nôi đào tạo Tăng tài nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ.
Xuất thân trong gia đình nhiều đời làm quan, tuy nhiên, Ngài cảm nhận sâu sắc về đời sống vô thường, danh lợi là ảo mộng. Chí xuất trần bộc phát, vào năm 1881, Ngài đến chùa Giác Viên xin xuất gia học đạo với tổ Phương Minh, được Tổ thâu nhận làm đệ tử với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền nối pháp đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ. Sau đó, Ngài được bổn sư giới thiệu đến học đạo và cầu pháp với tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân – bậc danh Tăng lỗi lạc đương thời (chùa Giác Lâm).
Tổ đình Phi Lai và tên tuổi của tổ Chí Thiền đã đi vào lịch sử, gắn liền với vùng đất con người, quê hương vùng Tây Nam Bộ. Và nơi đây đã hun đúc nên những thế hệ kế thừa, nối tiếp sự nghiệp của Tổ, có thể thấy tiêu biểu như: HT. Hồng Pháp, Hồng Diệu, Hồng Nhẫn, Hồng Nhơn, Hồng Tôi, Hồng Xứng, Hồng Mão, Hồng Nở, Hồng Minh, Hồng Tông, Hồng Thông, Hồng Sáng, Hồng Chương, Hồng Trung; đặc biệt HT. Hồng Tòng – Đại Tăng trưởng (Tăng Thống GHPG Lục Hoà Tăng Việt Nam năm 1952), HT. Hồng Nở – Viện trưởng Viện Hoá đạo GHPGVN Thống Nhất (giai đoạn 1966 – 1973), HT. Nhựt Bình – Chủ tịch HĐTS GHPGVN (giai đoạn 1984 – 2014), HT. Lệ Huy – Chủ tịch HĐTS GHPGVN từ năm 2014 đến nay.
Năm Quý Dậu (1933), ngài thọ bệnh và trước khi viên tịch chắp tay niệm kệ: “Nhất niệm Viên Quang tội tánh không, đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh” rồi an nhiên viên tịch vào ngày Rằm tháng 2 năm Quý Dậu, trụ thế 73 năm, 52 hạ lạp. Nhục thân của Tổ được nhập bảo tháp tại khuôn viên tổ đình Phi Lai.
Nhằm bày tỏ tri ân công đức cao dày của Tổ Như Hiển – Chí Thiền đối với Đạo Pháp, Dân Tộc và Nhân sinh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông đã thành kính dâng lời tưởng niệm của Trung ương GHPGVN.
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, trước di ảnh của Tổ sư, chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS thành kính dâng nén tâm hương cúng dường Giác linh và đảnh lễ tri ân công đức của Tổ.
Nguyện phát huy sứ mệnh của Tổ và chư vị tiền nhân trong Tông môn, cùng nhau nêu cao tinh thần yêu nước, dấn thân phụng sự nhân sinh, phát triển đạo vàng, làm rạng ngời Môn phong Tổ ấn.
Trước đó, môn hạ Tổ đình Phi Lai đã tổ chức Hội thảo khoa học nhân dịp 90 năm Tổ Như Hiển – Chí Thiền viên tịch, thắp nến tri ân, cử hành lễ cầu nguyện và trang nghiêm nhiễu tháp Tổ sư.
Đăng Huy